Sự phát triển thai nhi 28 tuần tuổi
Hỗ trợ
Th 3 10/10/2023
Em bé của bạn sẽ phát triển như thế nào?
Vào tuần này, bé đã nặng chừng 1kg và dài hơn 37cm từ đỉnh đầu đến gót chân. Bé có thể nhấp nháy mí mắt với hàng lông mi và thị lực đang phát triển. Bé có thể nhìn thấy ánh sáng thông qua tử cung của bạn. Hàng tỷ tế bào thần kinh đang phát triển trong não của bé và bổ sung thêm chất béo cho cơ thể nhiều hơn để thân hình tròn trịa, chuẩn bị cho cuộc sống ở thế giới bên ngoài.
Sự thay đổi của mẹ như thế nào?
Ba tháng cuối cùng của quá trình mang thai sẽ bắt đầu từ tuần này. Hầu hết các bà mẹ mang thai sẽ còn tăng thêm khoảng 5kg trong thời gian tới.Từ tuần thai thứ 28 bạn nên đi khám thai hai tuần một lần. Sau đó, khi được 36 tuần, bạn sẽ cần đi khám hàng tuần.
Tùy thuộc vào tiền sử bệnh và các nguy cơ của bản thân, bác sĩ có thể khuyên bạn nên xét nghiệm máu lại để kiểm tra HIV và giang mai, đồng thời bạn cũng được xét nghiệm chlamydia và bệnh lậu để chắc chắn về tình trạng của bạn trước khi sinh.
Nếu kết quả kiểm tra đường huyết cao và chưa thực hiện các xét nghiệm tiếp theo, bạn sẽ sớm phải xét nghiệm dung nạp glucose trong 3 giờ.Nếu trong lần khám tiền sản đầu tiên, xét nghiệm máu cho thấy bạn có Rh âm tính, bạn sẽ được tiêm globulin miễn dịch Rh để ngăn cơ thể phát triển các kháng thể có thể tấn công máu của bé. Nếu bé có Rh dương tính, bạn sẽ được tiêm thêm một mũi globulin miễn dịch Rh sau khi sinh.
Ở giai đoạn từ tuần thai thứ 28, nhiều bà mẹ có cảm giác tê râm ran, co kéo hoặc khó chịu ở cẳng chân trong khi ngủ hoặc nghỉ ngơi. Nếu cảm giác này giảm bớt khi bạn cử động, bạn có thể mắc hội chứng “chân không nghỉ” (RLS). Không ai biết rõ nguyên nhân gây ra RLS, nhưng nó tương đối phổ biến ở các bà mẹ sắp sinh. Thử duỗi hoặc xoa bóp đôi chân, hạn chế sử dụng đồ ăn và thức uống chứa chất kích thích vì caffeine có thể làm cho triệu chứng này nặng hơn. Nhờ bác sĩ tư vấn liệu có nên dùng viên sắt để cải thiện triệu chứng RLS với tình trạng thể chất của bạn không nhé.
Lưu ý trong tuần
- Theo dõi các thay đổi của cơ thể mỗi ngày, cẩn trọng với các biến chứng xấu
- Bổ sung đầy đủ các vitamin chú ý bổ sung đủ sắt
- Tìm hiểu về việc nuôi con bằng sữa mẹ, cách bảo quản sữa mẹ, chữa mất sữa
- Theo dõi hoạt động của thai nhi hàng ngày, liên hệ bác sĩ ngay nếu có bất thường
- Duy trì thai giáo bé yêu trong bụng bằng âm nhạc, kể chuyện, hát ru..
- Bắt đầu mua những thứ cho bé và mẹ (quần áo, tã, băng vệ sinh cho mẹ..)