Chân dung về trẻ sơ sinh như thế nào
Hỗ trợ
Th 3 10/10/2023
Một số ít bà mẹ có cảm giác khác hẳn với những gì mà họ đã mong đợi khi nhìn thấy em bé mới sinh lần đầu tiên. Thoáng nhìn dáng vẻ bên ngoài của bé có thể làm cho bạn sợ hãi. Với bộ da nhăn nheo trong bé giống như một cụ già hơn là một em bé.
1, Đầu không tròn cũng không sao
Nếu sinh mổ, đầu bé sẽ tròn hơn so với bé sinh thường. Trẻ sinh thường qua đường âm đạo của người mẹ, đầu bé có thể hơi thuôn dài do quá trình rặn đẻ và chèn ép các lớp vỏ xương. Tuy nhiên, đầu bé sẽ trở lại bình thường trong vài ngày hoặc vài tháng sau đó. Nếu mẹ đừng cho bé nằm gối cứng, mẹ thường xuyên trở mình cho bé thì chắc chắn đầu bé sẽ tròn. Mẹ cũng không cần quá lo lắng nếu thấy đầu bé có vết tím bầm. Những vết máu tụ này thường xuất hiện do áp lực của xương chậu người mẹ đè lên đầu bé. Đó chỉ là những vết bầm tím bên ngoài và không hề ảnh hưởng đến não bộ.
2, Thóp phập phồng
Bé sơ sinh sẽ có hai thóp mềm trên đầu: một thóp ở đỉnh, sờ vào cảm giác như hình thoi và rộng khoảng 3-8cm; một thóp nhỏ hơn, hình tam giác, ở phía sau đầu. Do khi di chuyển qua âm đạo ra ngoài, các lớp xương sọ của bé phải tách ra, nên xuất hiện hai thóp. Mẹ sẽ thấy thóp phồng ra khi trẻ khóc hoặc chùng xuống khi con khóc, hoặc khi ở trạng thái bình thường thóp con cũng phập phồng (thấy rõ do có sự chuyển động ở lớp tóc tơ). Thường thì nhịp phập phồng này sẽ đúng với nhịp tim bé. Điều này là hoàn toàn bình thường các mẹ ạ. Chỉ trừ khi bé ốm, thóp lõm lại thì có lẽ bé đang bị thiếu nước, hoặc do bé không khỏe. Các thóp này cuối cùng sẽ sẽ dần đóng lại khi các xương sọ liền vào với nhau mà không cần chăm sóc đặc biệt nào, thường là trong khoảng 12 đến 18 tháng đối với thóp trước và trong khoảng 6 tháng đối với thóp sau.
3, Khe liên thóp
Hai bên thái dương bé cũng sẽ có hai đường khe chạy đến vùng thóp, và một đường khe nữa chạy qua đỉnh đầu ra đằng sau. Các khe này được gọi là các đường liên thóp, là khoảng hở giữa các mảnh xương đầu. Các mẹ sinh con lần đầu thường lo lắng khi sờ thấy phần thóp và đường liên thóp của con, nhưng mẹ yên tâm, đó là bình thường. Nếu các khe này rộng trên 1 cm mới có thể là bất thường.
4, Mắt láo liên
Chỉ một vài phút sau khi sinh, bé đã mở mắt ra và bắt đầu nhìn quanh. Lúc này, bé rất nhạy cảm với ánh sáng (chính vì vậy khi mẹ phơi nắng cho bé thì nên che mắt bé lại). Bé đảo mắt xung quanh quan sát, bé có thể nhìn thấy mọi thứ ở cự ly gần, nhưng bé thường không tập trung do bé chưa có khả năng kiểm soát cơ mắt. Đó là lý do tại sao mẹ có thể thấy con có vẻ không chú ý đến ai hay có hiện tượng mắt lác trong 2-3 tháng đầu. Có thể, phần lòng trắng của một hoặc cả hai mắt bé xuất hiện màu đỏ máu do xuất huyết kết mạc xảy ra khi mẹ rặn đẻ. Tương tự như một vết bầm tím trên da, vết xuất huyết này hoàn toàn vô hại và sẽ biến mất sau vài ngày. Mắt bé cũng còn ghèn và chất gây ở mắt trong quá trình sinh sản, do đó mẹ nên rửa mắt cho con bằng nước muối sinh lý 0.9% từ 5-7 lần/ngày trong những ngày đầu sau sinh.
5, Tai méo mó
Cũng như các bộ phận khác, tai bé có thể bị bóp méo (ví dụ nằm sát da đầu hơn) do bị chèn từ khi ở bên trong tử cung hay trong quá trình rặn đẻ. Cho đến khi các sụn dày phát triển sẽ giúp bé định hình khung tai giống người lớn nên nếu mẹ thấy tai bé bị gập hay biến dạng tạm thời thì cũng không phải là bất thường đâu nhé. Nếu muốn, mẹ có thể vuốt tai con thường xuyên để bé có tai vểnh đẹp, tránh bẹp tai.
6, Mũi bé khụt khịt
Mũi của bé mới sinh khá hẹp, nên chỉ một lượng nhỏ chất lỏng hoặc chất nhầy mũi đã có thể làm bé thở to hoặc tắc nghẽn âm thanh ngay cả khi con không hề bị cúm. Bé sinh thường thường sẽ được đẩy chất nhờn ra khỏi mũi vì phải đi qua âm đạo chật chội của mẹ, nên bé sinh thường ít bị khụt khịt hơn. Còn bé sinh mổ dù được hút dịch đờm trong mũi và miệng nhưng có thể bé vẫn khụt khịt cho đến khi ra tháng, dù sức khỏe bé bình thường. Mẹ nên lưu ý nhỏ nước muối sinh lý hàng ngày và vệ sinh mũi trẻ bằng bông tăm ẩm để lấy ra nhưng chất bẩn bên trong, giúp con dễ thở hơn.
7, Thở gấp gáp
Mẹ có thể thấy bé thở rất gấp gáp, nhịp thở của bé nhanh hơn nhịp thở của người lớn. Mẹ đừng lo lắng. Khi bé tỉnh táo, nhịp thở của bé có thể rất khác nhau, đôi khi vượt quá 60 lần trong một phút. Bé sẽ thở gấp hơn sau một cơn khóc. Thỉnh thoảng, thậm chí trong giấc ngủ mẹ thấy bé thở gấp gáp rồi còn ngừng thở trong khoảng 5 giây và sau đó bắt đầu tự thở trở lại. Hiện tượng này được xem là rất bình thường. Sẽ chỉ là bất thường khi da mặt bé chuyển sang màu xanh hoặc ngừng thở kéo dài lâu hơn thời gian cho phép, đây là một trường hợp khẩn cấp và mẹ nên liên hệ với bác sĩ ngay lập tức.
8, Tay và chân đủ, dù hơi co
Nếu bé có đầy đủ tay chân và dù nó hơi co lại thì cũng vẫn bình thường mẹ nhé, do con cứ phải co quắp trong bụng mẹ chật chội quen rồi, nên khi ra đời con vẫn giữ thói quen co chân lại. Các khuỷu tay, hông và đầu gối gập lại, tay và chân rất hay được đưa lên gần mặt trước của bé. Vị trí này là tương tự như tư thế bào thai trong những tháng cuối của thai kỳ. Trong vài tuần đầu tiên, con còn có xu hướng tiếp tục nắm tay mình thật chặt. Sẽ chỉ là bất thường thì mẹ thấy lòng bàn tay bé không duỗi ra được dù mẹ đã giúp con, hoặc hai chân con khoèo lại, cẳng chân cong một cách bất thường. Lúc này mẹ cần kiểm tra y tế xem con có bị tật khoèo tay chân không và có phương hướng điều trị.
9, Ngủ mải miết
Trong những tuần đầu tiên, bé thường dành phần lớn thời gian trong ngày để ngủ. Có thể bé sẽ ngủ miết và chỉ tỉnh dậy khi đói, và sau khi được bú bé lại nhắm mắt ngủ khì khiến mẹ lo lắng liệu con đã no bụng chưa và con ngủ nhiều thế có bình thường không? Mẹ hãy yên tâm nhé, dạ dày bé sơ sinh chỉ có kích thước như một hòn bi ve và bé có thể dễ dàng no bụng chỉ với 5-10ml sữa. Thói quen ngủ nhiều của trẻ là do bé vẫn chưa quen với thời gian ngoài bụng mẹ.